Truy xuất nguồn gốc – “lá chắn” sống còn trong hội nhập và bảo vệ người tiêu dùng

Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Sáu 12, 2025 | 6:14 - Lượt xem: 24

Truy xuất nguồn gốc không chỉ là giải pháp kỹ thuật mà đã trở thành yêu cầu sống còn bảo vệ người tiêu dùng, nâng cao uy tín doanh nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu bền vững trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Thương mại hóa và sự bùng nổ công nghệ số đã giúp hàng hóa lưu thông nhanh chóng xuyên biên giới và giữa các vùng miền, mở ra cơ hội lớn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về gian lận xuất xứ, nhãn mác, hàng giả cho người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính.

Theo ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), chỉ trong 3 tháng đầu năm 2025, ngành này đã xử lý trên 30.650 vụ vi phạm, thu về hơn 4.600 tỷ đồng cho ngân sách, khởi tố 1.328 vụ với hơn 2.000 đối tượng liên quan. Những con số này cho thấy, hành vi gian lận thương mại hiện không còn mang tính cá nhân mà đã có dấu hiệu trở thành “trào lưu có tổ chức”, tận dụng triệt để kẽ hở về truy xuất nguồn gốc.

Truy xuất nguồn gốc  giải pháp giúp người tiêu dùng tra cứu thông tin về xuất xứ, quy trình sản xuất và chứng nhận an toàn thực phẩm chỉ trong vài giây.

Trong bối cảnh đó, các công cụ truyền thống như tem chống giả hay mã vạch đơn giản đã không còn hiệu quả. Những “hàng giả thế hệ mới” thậm chí có thể làm giả cả mã QR, dữ liệu xuất xứ… đặt ra yêu cầu cấp thiết cho một hệ thống truy xuất thông minh và bảo mật cao hơn.

Theo các chuyên gia, truy xuất nguồn gốc là quá trình theo dõi toàn bộ hành trình của sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào, sản xuất, phân phối cho đến tay người tiêu dùng, đảm bảo minh bạch mọi khâu. Đây là yêu cầu đã được pháp luật quy định rõ trong Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và cụ thể hóa qua Quyết định 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Hoàng Phương khẳng định: “Truy xuất nguồn gốc sẽ là công cụ mạnh nhất trong cuộc chiến chống hàng giả hiện nay”. Với công nghệ mã QR được tích hợp ngay trên sản phẩm, người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan chức năng chỉ cần vài giây để tra cứu thông tin từ nguồn gốc nguyên liệu, đơn vị sản xuất, kiểm định chất lượng đến các chứng nhận an toàn liên quan.

Trên thực tế, các doanh nghiệp tiên phong ứng dụng hệ thống truy xuất không chỉ nâng cao khả năng cạnh tranh mà còn tạo ra lợi thế trong xuất khẩu. “Khi tiêu chuẩn quốc tế ngày càng khắt khe, chính sách bảo hộ thương mại gia tăng, nếu không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp sẽ bị loại khỏi sân chơi toàn cầu”, ông Phạm Văn Thọ – Chủ tịch Công ty cổ phần Công nghệ chống giả Việt Nam cảnh báo.

Đáng chú ý, nhiều hành lang pháp lý đã và đang được hoàn thiện. Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu tăng cường kiểm tra thương mại điện tử và xử lý vi phạm về nguồn gốc hàng hóa. Cổng truy xuất nguồn gốc quốc gia cũng đã đi vào vận hành từ cuối năm 2024 nhằm liên kết các hệ thống hiện có. Trong thời gian tới, nhiều luật sửa đổi cũng dự kiến bổ sung quy định bắt buộc mã QR truy xuất trên mọi hàng hóa.

Duy Trinh