Doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường nhờ áp dụng năng suất xanh
Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Sáu 17, 2025 | 2:54 - Lượt xem: 28
Việc áp dụng năng suất xanh không chỉ giúp doanh nghiệp giảm lãng phí, tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
TS Nguyễn Tùng Lâm – Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) cho biết, trong bối cảnh công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, việc áp dụng năng suất xanh là hướng đi tất yếu để doanh nghiệp duy trì lợi thế cạnh tranh và đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững.
Áp dụng mô hình năng suất xanh giúp giảm phát thải CO₂, hướng tới sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường.
Ngay từ năm 1998, Trung tâm Năng suất Việt Nam lúc đó (nay là Viện Năng suất Việt Nam) đã triển khai các dự án thí điểm về năng suất xanh, với sự tài trợ của Tổ chức Năng suất châu Á (APO). Một trong những điểm sáng của chương trình là việc xây dựng các mô hình năng suất xanh tại cộng đồng ở hơn 20 tỉnh, thành phố, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ. Thay vì chỉ giới hạn trong nhà máy hay khu công nghiệp, chương trình được mở rộng sang khu vực nông thôn, áp dụng các công cụ năng suất để giải quyết vấn đề thực tiễn như thiếu nước sạch, ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, sử dụng năng lượng hiệu quả.
Kết quả mang lại rất rõ rệt. Người dân được tiếp cận kỹ thuật biogas, trạm cấp nước tập trung, kỹ thuật IPM (phòng trừ dịch hại tổng hợp), các mô hình sản xuất xanh như trồng nấm rơm, nuôi giun, bếp tiết kiệm năng lượng, làm bún sạch… Chất lượng môi trường sống cải thiện, đồng thời hình thành ý thức trách nhiệm cộng đồng trong sản xuất, tiêu dùng.
Trong khối doanh nghiệp, năng suất xanh đã chứng minh hiệu quả về chi phí. Tại Công ty Cổ phần Giấy Hiệp Thành, sau khi áp dụng mô hình năng suất xanh, lượng phế phẩm giấy giảm 4%, chi phí điện và nhiên liệu (vỏ điều) giảm tới 140 triệu đồng/năm. Công ty TNHH rau quả Hùng Hậu giảm tới 15% điện và nước tiêu thụ, giảm từ 33-46% lượng phế phẩm, đồng thời năng suất lao động tăng nhờ tinh gọn quy trình sản xuất.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Vũ Hoàng Nam – Trưởng phòng Quản lý khoa học (Trường Đại học Ngoại thương), phần lớn các dự án năng suất xanh mới chỉ được áp dụng tại doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp siêu nhỏ – chiếm phần lớn tại Việt Nam – lại chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin hoặc thiếu năng lực triển khai.
Một nguyên nhân khác là việc áp dụng năng suất xanh hiện nay chủ yếu mang tính khuyến khích, chưa có chế tài bắt buộc. Trong khi đó, tại nhiều quốc gia, tiêu chuẩn sản xuất xanh đã trở thành yêu cầu tối thiểu để doanh nghiệp được tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong các ngành chế biến nông sản, dệt may, thủy sản…
Hiện Việt Nam đã có hệ thống tiêu chuẩn và công cụ hỗ trợ như ISO 14000 về quản lý môi trường, ISO 50001 về năng lượng, Global GAP cho sản xuất nông nghiệp, cùng các công cụ quản trị như 5S, 3R… Tuy nhiên, việc ứng dụng trong thực tiễn còn manh mún, thiếu kết nối và chưa có cơ chế giám sát đồng bộ.
Duy Trinh