Doanh nghiệp hưởng lợi khi áp dụng TPM kết hợp các công cụ cải tiến phù hợp
Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Sáu 24, 2025 | 14:29 - Lượt xem: 32
Tại nhiều doanh nghiệp sản xuất, việc áp dụng TPM kết hợp các công cụ cải tiến, hệ thống quản lý phù hợp đã giúp giảm đáng kể thời gian dừng máy, nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện tinh thần làm việc của người lao động.

TPM (Total Productive Maintenance – Bảo trì năng suất toàn diện) là một trong những công cụ cải tiến quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu suất thiết bị, giảm thiểu sự cố và duy trì sản xuất liên tục. Khác với phương pháp bảo trì truyền thống chỉ do bộ phận kỹ thuật đảm nhiệm, TPM nhấn mạnh sự tham gia của toàn bộ nhân viên – từ công nhân vận hành đến bộ phận quản lý – trong việc chăm sóc và giữ gìn thiết bị như tài sản chung.
Mục tiêu của TPM không chỉ là sửa chữa khi có hỏng hóc, mà là phòng ngừa, phát hiện sớm và chủ động cải tiến, nhằm đảm bảo máy móc luôn trong tình trạng hoạt động tối ưu nhất. TPM thường được triển khai cùng với các công cụ như 5S, Kaizen, Lean,… để tạo nên môi trường sản xuất gọn gàng, hiệu quả và giảm lãng phí.
Tại Công ty THACO Interior (Ninh Bình) – doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp và phân phối ô tô tại Việt Nam. THACO Interior đã tích hợp một cách toàn diện nhiều hệ thống quản lý khác nhau như IATF 16949/ISO 9001, ISO 14001 và TPM nhằm cung cấp các sản phẩm có chất lượng tốt hơn, phù hợp thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh với doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hay tại Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (TP. Hải Phòng), thời gian qua, nhờ tích hợp các công cụ cải tiến năng suất (5S, TPM) với ISO 9001, năng suất lao động của Công ty được nâng cao; phương tiện, máy móc, thiết bị đạt hiệu suất trên 90%. Đặc biệt, sự tích hợp TPM với ISO 9001 là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp này nâng cao hiệu suất và khả năng cạnh tranh cho sản phẩm.
Các chuyên gia đánh giá, tại nhiều doanh nghiệp sản xuất, việc áp dụng TPM kết hợp các công cụ cải tiến, hệ thống quản lý phù hợp đã giúp giảm đáng kể thời gian dừng máy, nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện tinh thần làm việc của người lao động. Từ đó, xây dựng văn hóa làm việc chủ động, trách nhiệm và hướng tới phát triển bền vững.
Mai Phương